Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Loài vật giao phối nhiều đến mất mạng ở Australia

Australia bổ sung hai loài thuộc chi thú có túi Antechinus, loài sẫm màu đuôi đen và đầu bạc, vào danh sách sinh vật bị đe dọa, CNN hôm 15/5 đưa tin. Quá trình giao phối kịch liệt là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cá thể bỏ mạng.

Antechinus là thú có túi nhỏ trông giống chuột. Mùa giao phối của chúng kéo dài khoảng vài tuần, mỗi lần giao phối có thể lên đến 14 tiếng. Trong mùa ghép đôi này, con đực và con cái sẽ đổi rất nhiều bạn tình. Chúng không mất thời gian tán tỉnh mà chỉ cố gắng giao phối với càng nhiều đối tượng càng tốt.


Con đực thường kiệt sức đến mức chết sau mùa giao phối 4 hoặc 5 ngày, theo nhà nghiên cứu Andrew Baker. Cả hai giới đều phải chịu căng thẳng nhưng chỉ có con đực tiết ra testosterone. Lượng testosterone liên tục ở mức cao khiến hormone căng thẳng cortisol không ngừng tiết ra. Cuối cùng, nó tăng đến mức gây hại và khiến hệ miễn dịch trục trặc. Con đực sau đó sẽ chảy máu trong rồi chết.

Antechinus mất khoảng một nửa cá thể trưởng thành mỗi năm. Ngoài ra, chi thú có túi này còn bị đe dọa bởi hoạt động của con người. Chúng thích sống ở nơi nhiều cây cỏ, Baker cho biết. Việc con người chặt cây khiến chúng mất dần môi trường sống.

Antechinus có nguồn gốc từ miền bắc và đông Australia, cần khí hậu lạnh và ẩm. Do đó, sự ấm lên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến chúng. Có thể chỉ còn vài trăm cá thể mỗi loài tồn tại, Baker nhận định. Con người cần giúp sinh vật này di cư đến khu vực lạnh hơn ở Australia để bảo vệ chúng.

Nhóm nghiên cứu sử dụng chó để phát hiện thú có túi Antechinus. Họ cũng dùng bẫy hộp kim loại và thu thập phân nhằm tìm hiểu thức ăn của sinh vật này. Về giải pháp tách riêng con cái và con đực, Baker cho biết, con đực chỉ sống được nếu hai giới hoàn toàn tách biệt và con cái được đưa đến từng con một. Trong một thí nghiệm, con đực bị triệt sản sống sót thành công, nhưng cách này lại không giúp chúng tạo thêm cá thể mới.

0 nhận xét: