1. Độc đáo món ăn nấu trong ống lồ ô:
Không quá cầu kỳ trong cách chế biến, không kén chọn nguyên liệu, nhưng các món ăn được nấu trong ống lồ ô luôn giữ được hương vị đậm đà, nguyên gốc của thực phẩm. Loại hình ẩm thực này ngày càng được nhân rộng, vượt qua cổng làng đi vào thực đơn của các nhà hàng, khách sạn…
Già làng A Wer (làng Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) cho biết: Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, các loại dụng cụ để chế biến thức ăn như xoong, nồi, chảo… không có như bây giờ, nên đồng bào DTTS đã biết tận dụng loại nguyên liệu sẵn có trong rừng để nấu thức ăn, đó là ống lồ ô.
“Vả lại, công việc làm nương rẫy, nay đến cánh rừng này, mai đi cánh rừng khác cũng không tiện cho việc mang vác các dụng cụ bếp núc đi theo, nên dùng lồ ô để nấu ăn là rất phù hợp. Đi đến đâu, chỉ cần phát lấy vài cây lồ ô, xuống suối lấy nước là có thể nấu cơm, nấu canh cho cả nhà ăn. Lồ ô được dùng để nấu ăn phải được lựa chọn kỹ càng, yêu cầu không được quá già mà cũng không quá non, thân thẳng, lóng dài và phần ruột rỗng phải lớn để chứa được nhiều thức ăn. Công việc nấu nướng này là của đàn bà, con gái trong nhà.” – Già A Wer chia sẻ.
Trong các món ăn truyền thống của đồng bào DTTS được nấu từ ống lồ ô, có thể kể đến những món như cơm nướng ống (cơm lam) được nấu từ loại gạo nếp rẫy nướng trên than hồng khi chín có vị dẻo, thơm, quyện lẫn vị ngọt của ống lồ ô, khó có món cơm nấu từ nồi, chõ nào ngon như vậy.
Đặc biệt, món canh thụt được nấu từ gạo, cà đắng, lá bép, đọt mây, cá suối trong ống lồ ô… khi ăn có vị đắng của cà và đọt mây, vị béo của cá, vị bùi bùi của gạo rất hấp dẫn; rồi món lá mỳ nấu cá suối, khi ăn có hương vị thơm, vừa đắng vừa ngọt…
Với cách chế biến không cầu kì, không cần nêm nếm quá nhiều gia vị, khi thưởng thức chỉ cần chấm thêm chút muối, ớt, lá é là đủ. Chính vì thế mà món ăn được nấu từ ống lồ ô luôn giữ được hương vị nguyên gốc, thuần khiết, mang hương vị đặc trưng, luôn cuốn hút bất kỳ ai khi đã một lần được thưởng thức.
Dù không cầu kỳ trong chế biến, nhưng nấu nướng trong ống lồ ô lại là cả một nghệ thuật. Khi nấu, một đầu ống được dựng nghiêng lên, phải canh lửa, tính toán thời gian hợp lý, trở đều tay để thức ăn chín đều và không bị cháy, khi lấy ra bốc lên mùi thơm phức rất đặc trưng của từng loại nguyên liệu…
Thế nên, chỉ có những bàn tay khéo léo của các bà, các chị mới cho ra những món ăn ngon từ những thứ nguyên liệu bình dị và cả dụng cụ nấu ăn cũng rất giản đơn này.
2. Vượt cổng làng ra phố:
Vì món ăn được nấu trong ống lồ ô luôn giữ được hương vị tự nhiên, nguyên gốc nên nó có sức hấp đặc biệt với nhiều người từ nơi khác đến, thậm chí cả du khách nước ngoài. Vì thế mà ẩm thực lồ ô bây giờ đã vượt qua khỏi không gian mỗi làng, đi vào trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn.
Các món ăn nấu trong ống lồ ô cũng phong phú hơn, ngoài những món truyền thống bình dị, còn có cả nguyên liệu hiện đại như dê, bò…, chỉ có điều hương vị đặc trưng của thức ăn nấu trong ống lồ ô này thì vẫn khó có món ăn nào sánh nổi.
Cùng với rượu cần, món ăn nấu bằng lồ ô giờ đã trở thành nét đặc trưng mà nhiều người khi đến Kon Tum đều muốn được thưởng thức.
Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà hàng, khách sạn nắm bắt được nhu cầu của thực khách, đưa những món ăn được chế biến trong ống lồ ô vào thực đơn ngày càng nhiều, nâng tầm cho ẩm thực lồ ô, thì trong đời sống của người dân các làng đồng bào DTTS, các món ăn được chế biến trong vật dụng độc đáo này ngày càng thưa dần và ít đi. Dulichgo
Điều này cũng dễ hiểu là bây giờ cuộc sống hiện đại, các loại bếp gas, bếp từ, bếp điện... ngày càng nhiều, các loại dụng cụ để chế biến thức ăn cũng vô cùng phong phú, con người cũng bận rộn hơn, nên người dân các làng đồng bào DTTS cũng có nhiều lựa chọn để công việc bếp núc được thuận tiện, nhanh chóng hơn.
Nhưng điều quan trọng nhất là hiện nay, lồ ô không sẵn như trước nữa, những cánh rừng lô ô bạt ngàn giờ đã không còn; nguyên liệu khan hiếm dần cùng với giá trị của cây lồ ô ngày càng được nâng cao, nên người ta khai thác chủ yếu là để bán.
“Bây giờ tục nấu cơm, canh bằng ống lồ ô chỉ còn dùng khi làng có lễ hội, để dân làng có dịp thưởng thức các món ăn, ôn lại những lễ nghi truyền thống và một điều không kém phần quan trọng là để truyền dạy cho lũ con cháu một nét văn hoá đặc trưng đã gắn bó từ bao đời nay trong đời sống của dân làng, của tổ tiên mình...” – Già A Hưu cho biết.
Cuộc sống ngày càng phát triển, việc nấu ăn bằng ống lồ ô không còn được người dân duy trì thường xuyên, đó cũng là xu thế tất yếu. Song, để góp phần giữ gìn, phát huy đa dạng bản sắc văn hóa riêng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, cần có biện pháp bảo tồn loại hình ẩm thực nấu trong ống lồ ô này.
0 nhận xét: