Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Vệ tinh giám sát toàn diện môi trường đầu tiên của Trung Quốc

Gaofen 5 sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng giúp Trung Quốc theo dõi khí tượng bảo vệ môi trường và thăm dò tài nguyên.

Trung Quốc hôm qua phóng thành công Gaofen 5 – vệ tinh viễn thám sử dụng công nghệ chụp ảnh siêu phổ có khả năng giám sát toàn diện môi trường. Vệ tinh được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 4C từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, vào lúc 2h28 rạng sáng thứ tư theo giờ Bắc Kinh, theo Xinhua.


Gaofen 5 là vệ tinh đầu tiên do Trung Quốc phát triển có khả năng giám sát ô nhiễm không khí. Vệ tinh tự động phân tích và phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc bằng cách theo dõi các tác nhân gây ô nhiễm, khí nhà kính và aerosol (sol khí – hệ keo của các hạt chất rắn hoặc giọt chất lỏng trong không khí).

Vệ tinh giám sát toàn diện môi trường này còn có thể phát hiện nguồn nước trong lục địa, môi trường sinh thái, đá và khoáng vật, cung cấp những dữ liệu quan trọng và có độ chính xác cao trong việc bảo vệ môi trường, theo dõi khí tượng và thăm dò tài nguyên thiên nhiên.

Gaofen 5 có khả năng thu thập dữ liệu quang phổ từ tia cực tím đến bức xạ hồng ngoại có bước sóng dài. Đây là vệ tinh viễn thám có độ phân giải quang phổ cao nhất của Trung Quốc. Nó được trang bị sáu thiết bị quan sát tiên tiến như camera siêu phổ hồng ngoại sóng ngắn và máy dò khí nhà kính. Vệ tinh có thể phân tích thành phần vật liệu thông qua công nghệ hình ảnh siêu phổ.

Gaofen 5 được phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) và dự kiến có thể hoạt động trong 8 năm. Vụ phóng hôm 9/5 là nhiệm vụ thứ 274 của dòng tên lửa đẩy Trường Chinh.

0 nhận xét: